Xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hình sự tại Việt Nam: Những điều cần lưu ý
Hàng giả là một trong những ngành công nghiệp bất hợp pháp giúp sinh lợi nhanh chóng và đang diễn biến phức tạp về quy mô, lĩnh vực lẫn phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ trên thế giới. Phương thức và thủ đoạn của những kẻ làm hàng giả ngày càng trở nên tinh vi, với các công nghệ hiện tiên tiến, hiện đại khiến cho hàng giả tràn lan, phổ biến trên thị trường và rất khó phân biệt với hàng thật. Ở Việt Nam, các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị xử lý theo các chế tài hình sự, bao gồm cả những hành vi liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng trên thực tế, các chế tài hình sự hiếm khi được áp dụng. Tuy nhiên, một vụ án hình sự gần đây liên quan đến xử lý hàng giả ghi nhận nỗ lực đáng khen ngợi của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam nhằm tạo ra hiệu quả trong việc răn đe các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bối cảnh
Trước đó, ngày 26/12/2022, Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đối với 02 cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại thôn Huỳnh Cung (Km số 2 Phan Trọng Tuệ) và Khu công nghiệp Lai Xá - Hà Nội. Trong quá trình kiểm tra, Đội quản lý thị trường số 14 đã phát hiện sản phẩm keo silicone Apollo có dấu hiệu giả mạo, bao gồm 250 chai silicone Apollo mã hàng A500 màu đen (Black) có dung tích 300ml/chai và 4.164 chai keo silicone Apollo các màu, với bao bì khác nhau.
Đội quản lý thị trường số 14 xác nhận số keo silicone nói trên có bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ Công ty Cổ phần Quốc Huy Anh, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Tổng giá trị lô hàng bị thu giữ lên tới hơn 200 triệu đồng.
Căn cứ theo Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, vụ việc được coi là có dấu hiệu phạm tội hình sự do giá trị hàng hóa vi phạm lớn. Ngày 06/02/2023, Đội Quản lý thị trường số 14 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và tang vật kiểm tra cho Công an huyện Hoài Đức để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thể hiện cam kết trong việc bảo vệ đổi mới và sáng tạo trong vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bằng cách tham gia và ký kết nhiều hiệp định sở hữu trí tuệ như CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (European-Vietnam Free Trade Agreement - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU), RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) và WCT (The WIPO Copyright Treaty- Hiệp ước về quyền tác giả). Các cơ quan chức năng của Việt Nam ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với việc thúc đẩy nền kinh tế đổi mới. Sự quan tâm ngày càng sát sao của các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam, cùng với việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần thứ ba và các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn phản ánh nỗ lực mạnh mẽ hơn của Việt Nam trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Những điểm cần lưu ý
1. Phân biệt Tội làm hàng giả theo Điều 192 và Điều 226: Khi nào được áp dụng?
Theo Bộ luật Hình sự 2015, những người tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị xử lý hình sự theo Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả) và Điều 226 (Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp). Liên quan đến việc sử dụng bất hợp pháp quyền đối với nhãn hiệu, nhìn chung:
- Nếu việc sử dụng nhãn hiệu đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp và lừa dối người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, thì áp dụng Điều 192.
- Nếu việc sử dụng nhãn hiệu chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp để tăng lợi nhuận kinh doanh, không có ý định lừa dối người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa và sản phẩm giả mạo vẫn giữ nguyên bản chất của nó, tên, công dụng, bảo đảm chất lượng theo đúng tiêu chuẩn chất lượng đã công bố thì hành vi đó cấu thành tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 226.
2. Xử lý hình sự hành vi xâm phạm quyền SHTT với Bộ luật hình sự năm 2015: Dễ dàng hơn?
Ngoài điều kiện về “quy mô thương mại”, BLHS năm 2015 đã thiết lập các 03 điều kiện khác để cơ quan chức năng có thể hình sự hóa hành vi xâm phạm quyền SHTT, cụ thể, các điều kiện về (i) “thu lợi bất chính”, (ii) “gây thiệt hại cho chủ thể quyền”, (iii) “giá trị hàng hóa vi phạm”. Trong bốn điều kiện trên, điều kiện về “giá trị hàng hóa vi phạm” có lẽ dễ chứng minh nhất, vì chỉ cần xác định giá trị hàng hóa vi phạm đạt ngưỡng từ 200.000.000 đồng (đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý) và từ 100.000.000 đồng (đối với quyền tác giả, quyền liên quan), thì cơ quan chức năng đã có thể xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hình sự. Như vậy, các điều kiện để xác định yếu tố cấu thành tội phạm liên quan đến SHTT đã được định lượng cụ thể hơn. Vì vậy, sẽ dễ dàng hơn trong việc áp dụng các chế tài hình sự đối với các tội xâm phạm quyền SHTT. Việc này sẽ góp phần thực hiện tốt các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… các hiệp định có yêu cầu rất cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và trừng trị các hành vi xâm phạm quyền SHTT.
3. Xâm phạm quyền SHTT bị xử lý hình sự: Tất cả hay một số?
Chế tài hình sự không áp dụng cho tất cả đối tượng SHTT bị xâm phạm. Theo BLHS năm 2015, chỉ xử lý hình sự đối với (i) hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan; (ii) hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; và (iii) hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý. Như vậy, việc vi phạm kiểu dáng công nghiệp và sáng chế không phải chịu các chế tài hình sự.
4. Chuyển vụ án sang cơ quan tố tụng hình sự: Vì sao?
Cơ quan thực thi hành chính (ví dụ, (i) Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ; (ii) Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (iii) Cục quản lý thị trường; (iv) Cảnh sát kinh tế; và (v) Cơ quan hải quan), nếu thấy rằng vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tố tụng hình sự để điều tra, khởi tố vụ án hình sự (Điều 62, Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13). Trong vụ việc này, Đội Quản lý thị trường số 14 xét thấy vụ việc này có giá trị hàng hóa vi phạm lớn (vượt ngưỡng luật định), có dấu hiệu cấu thành tội phạm, nên có thể bị khởi tố theo Điều 192 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, nên đã phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cùng tang vật cho Công an huyện Hoài Đức để xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự.
5. Thủ tục thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hình sự ở Việt Nam: Như thế nào?
Thủ tục thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hình sự ở Việt Nam được trình bày chi tiết trong bài viết của chúng tôi theo đường dẫn sau: https://kenfoxlaw.com/criminal-procedure-for-ipr-enforcement-in-vietnam
6. Xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam năm 2023: Số liệu?
Báo cáo “Tình hình thực hiện Chương trình phối hợp hành động phòng chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn III (2019-2023) năm 2022 và kế hoạch hoạt động năm 2023” cho thấy: Năm 2022, lực lượng Cảnh sát kinh tế trong cả nước khởi tố 05 vụ với 05 bị can liên quan đến xâm phạm quyền SHTT; 05 vụ với 05 bị can bị truy tố theo Điều 226 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Một số vụ việc điển hình:
(1) Vụ án “Công an huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội 4 – Cục quản lý thị trường tỉnh Hải Dương kiểm tra, phát hiện Hộ kinh doanh may gia công hàng may mặc Gia Hưng, do Nguyễn Thị Thu sinh năm 1989 làm chủ đang có hoạt động gia công một số áo khoác có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” gồm 1.713 chiếc áo khoác thành phẩm; 800 thân áo chưa thành phẩm gắn dấu hiệu “Adidas và hình”;
(2) Vụ án PC03 Công an TP. Hà Nội phối hợp với Cục quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra kho chứa hàng tại thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội do Nguyễn Văn Ngọc làm chủ kinh doanh. Kết quả lực lượng chức năng đã thu giữ lượng lớn hàng hoá có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu như Gucci, Chanel, LV, Adidas cùng hàng nghìn sản phẩm gia dụng nhập lậu như bếp từ, bếp nướng, nồi cơm điện, chảo điện... Tổng trị giá hàng vi phạm khoảng hơn 600 triệu đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo Điều 226 Bộ Luật hình sự năm 2015;
(3) PC03 Công an TP. Hà Nội phối hợp với Đội quản lý thị trường số 17 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh thương mại của Công ty Bảo Chi tại địa chỉ: Số nhà 09, ngõ 3C, tổ 19 thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Kết quả phát hiện và tạm giữ 948 hộp thực phẩm dinh dưỡng NutriPlus “PEDIA Sure” (900g) và 984 hộp thực phẩm dinh dưỡng VistaGold “PEDIA SURE” (900g) có nghi vấn là hàng hoá giả mạo đối với nhãn hiệu “PEDIASURE” của Công ty Abbott – Hoa Kỳ đang được bảo hộ tại Việt Nam.
7. Đòi hỏi sự nỗ lực liên tục và đồng bộ
Chống hàng giả là cuộc chiến không có hồi kết. Hàng giả ngày càng gia tăng cả về số lượng, mức độ tinh vi, chủng loại hàng hóa. Hàng giả không chỉ làm suy yếu quyền SHTT và thương hiệu, mà còn có tác động tiêu cực đến doanh thu và danh tiếng của chủ thể quyền, cũng như làm tăng nguy cơ bị khiếu nại và chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên, điều này mới chỉ là bề nổi, vì thực tế rất ít khi thông tin về nguồn cung của hàng giả được xác định rõ ràng.
Không thể chỉ dựa vào các cơ quan nhà nước để chống hàng giả, thay vào đó, chủ thể quyến SHTT cần tích cực tham gia vào các chiến lược chống hàng giả trên nhiều mặt trận. Các chiến dịch chống hàng giả thành công đòi hỏi sự phối hợp, nỗ lực toàn diện và đồng bộ giữa chủ thể quyền SHTT, đại diện của họ và cơ quan thực thi pháp luật.
Bạn đang tìm kiếm một đối tác đáng tin cậy để giải quyết các vụ xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam? Hãy liên hệ với KENFOX IP & Law Office! Đội ngũ luật sư của chúng tôi có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đã thành công trong việc phối hợp với các cơ quan thực thi của Việt Nam trong việc điều tra, và xử lý nhiều vụ xâm phạm quyền SHTT phức tạp, tinh vi và diễn ra trên quy mô lớn. Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để khám phá cách chúng tôi có thể giúp bạn giải quyết hiệu quả các vụ xâm phạm hoặc tranh chấp sở hữu trí tuệ.
By Nguyen Vu QUAN
Partner & IP Attorney
Xem thêm:
- Thư khuyến cáo trong giải quyết tranh chấp, xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – Cần lưu ý những gì?
- Các biện pháp biên giới bảo vệ quyền SHTT tại Việt Nam
- Thực thi quyền SHTT tại Việt Nam
- 6 điều cần lưu ý để ứng phó với cáo buộc xâm phạm sáng chế tại Việt Nam
- Bảo hộ dưới dạng quyền kiểu dáng công nghiệp hay quyền tác giả, có thể bạn chưa biết !